“Chăm chút không gian để căn phòng nhỏ trở thành người bạn đồng hành, tạo ra nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo trong học tập và giúp mình cân bằng giữa học tập, công việc với các thú vui khác”, Nguyễn Trần Đăng Khoa (21 tuổi, TP. HCM) chia sẻ.
Thông thường thì đối với các bạn trẻ thì chi phí để cải tạo lại một căn phòng trọ dao động từ khoảng 500.000đ đến vài triệu đồng, tùy vào diện tích căn phòng, đồ dùng và nhu cầu mong muốn của mỗi người.
Căn nhà không chỉ là nơi để sống
Kỳ nghỉ Hè năm nay, thay vì về quê như mọi năm, Đăng Khoa (năm thứ ba, ĐH Kinh tế TP. HCM) quyết định ở lại Sài Gòn, vừa làm thêm, vừa trau dồi kinh nghiệm. Do tính chất công việc nên Khoa thường xuyên làm việc tại nhà. Căn phòng trọ nhỏ bé dần trở nên quen thuộc, thậm chí có chút “ngột ngạt”, khiến Khoa cảm thấy thiếu đi cảm hứng và sáng tạo. Dần dần, Khoa bắt đầu quan tâm đến các kênh về decor phòng trọ: “Mình thường xuyên lướt TikTok, thấy các bạn Gen Z hay có trend “biến hình” căn phòng cũ thành “căn hộ mini” siêu xịn. Từ đó, mình cũng thấy thú vị, rồi lân la tự tìm hiểu về decor phòng. Mình nhận thấy, những đồ dùng, vật dụng decor mua trên chợ điện tử có chi phí tương đối rẻ, phù hợp túi tiền với sinh viên như mình”.
Lấy cảm hứng từ phong cách tối giản (minimalism style), Khoa khéo léo “giấu nhẹm” đi sự chật hẹp của căn phòng bằng gam màu trắng – xám chủ đạo, kết hợp cùng ánh đèn vàng ấm áp. Một chiếc kệ gỗ nhỏ được tận dụng để đặt sách, cây xanh và một số vật dụng trang trí, tạo điểm nhấn cho không gian.
Còn với Vũ Điện Biên (27 tuổi, TP. HCM), là một kiến trúc sư thường xuyên di chuyển nhiều nơi để “làm đẹp” cho không gian sống của người khác nhưng anh lại nhận ra bản thân chưa thực sự quan tâm đến căn phòng nhỏ của mình. Sau dịch COVID-19, anh bắt đầu chú trọng hơn việc decor (trang trí) lại căn phòng chỉ 5m2 của mình. Anh chia sẻ: “Vì diện tích căn phòng tương đối nhỏ nên mình đã tính toán trước các vị trí bố trí công năng vừa đủ cho một giường, bàn làm việc, chỗ nghỉ ngơi và khu vực thay đồ. Các phần liên quan đến kỹ thuật như lắp dựng vách ngăn chia không gian, sơn trần tường vách, đi hệ thống đèn điện ổ cắm… sẽ được ưu tiên làm trước. Sau đó lần lượt là những phần trang trí trên tường, thay sàn mới…”.
Xem Thêm: Các Mẫu Trang Trí Phòng Trọ Đẹp 2024
Khoản đầu tư có kế hoạch
Nhiều người cho rằng, phòng trọ chỉ là nơi ở tạm rồi sẽ đến lúc phải chuyển đi nên không cần chăm chút, mua sắm quá nhiều. Còn với Như Linh (26 tuổi, TP. HCM), chị cho rằng, việc cải tạo phòng trọ cũng như đang chăm chút ngôi nhà thứ hai và tương lai là tổ ấm riêng của mình. Chị Linh bộc bạch: “Sau khi cải tạo lại, mình thấy yêu căn phòng hơn, cảm thấy thoải mái và không còn muốn đi chơi nhiều nữa, nhờ vậy mà tiết kiệm được kha khá tiền ăn ngoài, trà sữa… Mình cũng không hẳn là người thích nấu nướng nhưng từ ngày có căn bếp xinh thì mình siêng nấu hơn, thấy yêu đời và yên bình khi trở về căn phòng của mình”.
Đồng thời, chị Linh cũng chia sẻ rằng, thường chị hay nghiên cứu thật kỹ các sản phẩm đồ dùng trước khi quyết định mua nên giá cả tương đối rẻ. Chi phí để trang trí lại căn phòng hiện tại của chị cũng vừa vặn với khoản chị đã lên kế hoạch chi cho “công cuộc cải cách” này.
Theo anh Lê Quốc Tế (kiến trúc sư, kinh doanh nội thất tại TP. HCM), xu hướng trang trí phòng trọ của giới trẻ xuất phát từ nhu cầu sở hữu không gian sống đẹp mắt, tiện nghi và thể hiện cá tính riêng. Anh cho biết thêm: “Hầu hết các bạn trẻ đều yêu thích phong cách hiện đại, số ít chuộng phong cách cổ điển. Hiện nay, chất liệu gỗ công nghiệp được ưa chuộng nhất, bởi mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, dễ dàng trang trí và phù hợp với nhiều chức năng sử dụng. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh mặt hàng nội thất như chúng tôi cũng không ngừng phát triển, mở rộng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của các bạn trẻ”.
Decor hướng đến phong cách “Eco – Friendly”
Ngoài tiêu chí căn phòng đa năng, tiện dụng thì hướng đến phong cách “eco – friendly” (thân thiện với môi trường) cũng điều nhiều bạn trẻ quan tâm và hướng tới. Chẳng hạn, anh Điện Biên đã đặt nhiều tâm huyết vào các vật dụng tái chế.
Sự xuất hiện của “Eco” trong tên gọi đã thể hiện một lối không gian sống “xanh” và hòa mình với thiên nhiên trong lành. Theo đó, anh Điện Biên đã ứng dụng các giải pháp tiên tiến nhất, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện và trang bị hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả cho căn phòng.
Thay vì vứt bỏ những vật dụng cũ kỹ, anh Biên đã có những ý tưởng sáng tạo “hô biến” thành những đồ dùng “độc, lạ” như: “Làm đèn thả từ bìa carton”, “Làm kệ gia vị từ gỗ thừa”, “Làm bồn rửa mặt từ cánh cửa cũ”, “Làm tủ đầu giường từ thùng xốp”…
Bằng cách diễn đạt tự nhiên, gần gũi cùng hướng dẫn dễ hiểu, dễ làm, anh Biên cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, đặc biệt là những bạn trẻ yêu thích decor phòng. Nhiều người thường xuyên liên hệ trao đổi thêm với anh để hoàn thiện “tác phẩm” của riêng mình. Anh Biên bộc bạch: “Tái chế giúp giảm thiểu rác thải, tăng vòng đời vật dụng, đồng thời giúp mình tiết kiệm chi phí mua sắm và rèn luyện kỹ năng xử lý công việc nhà”.
Với niềm đam mê và sự sáng tạo, anh Biên hy vọng sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, truyền cảm hứng cho mọi người trong việc tái chế vật dụng cũ, “biến” chúng thành những món đồ hữu ích và độc đáo.